Bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về thâm mụn và nám da, từ đó biết cách phân biệt chúng với nhau và cách điều trị phù hợp cho từng tình trạng da.
Tình trạng tăng sắc tố da
Melanin là một loại sắc tố tự nhiên trong cơ thể người, mang lại màu sắc cho da, tóc và mắt. Melanin được tổng hợp, lưu trữ và vận chuyển bởi bào quan là melanosome có trong tế bào hắc tố (melanocyte).
Số lượng tế bào hắc tố trong da người là như nhau ở các chủng tộc. Yếu tố tạo nên sự khác biệt về màu da của các nhóm người trên thế giới chính là mức độ hoạt động của các tế bào hắc tố, lượng melanin được sản xuất và sự phân bố của melanin trong lớp biểu bì.
Điều này giúp giải thích cho hiện tượng làn da trở nên sẫm màu hơn khi chúng ta tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hoặc tia cực tím. Đây là một cơ chế sinh lý bình thường của cơ thể, vì melanin có tác dụng bảo vệ da khỏi tác hại của tia cực tím (UV) và chống oxy hóa, giúp ngăn chặn nguy cơ ung thư da. Nhưng nếu quá trình sản xuất và lắng đọng melanin bị gia tăng quá mức, sẽ gây nên tình trạng tăng sắc tố da.
Thâm mụn là gì? Nguyên nhân và phân loại
Thâm mụn bản chất là kết quả từ đáp ứng của cơ thể với tổn thương sau khi bị mụn. Khi da bị tổn thương bởi mụn hoặc việc xử lý nhân mụn, quá trình làm lành vết thương tự nhiên của cơ thể sẽ được kích hoạt. Quá trình này gồm 4 giai đoạn chính là cầm máu, phản ứng viêm, tăng sinh tạo mô và tái tổ chức liên kết mô.
Có 2 loại thâm mụn thường gặp là thâm đỏ (hồng ban sau viêm) và thâm đen (tăng sắc tố sau viêm):
Thâm đỏ (post inflammatory erythema – PIE): thường trông giống với nốt mụn trứng cá, có màu hồng hoặc tím đậm, có thể phân bố dưới dạng cụm hoặc chấm riêng lẻ trên da. Nguyên nhân là do sự giãn nở, viêm hoặc tổn thương các mao mạch dưới da. Mụn nang (cystic acne) được ghi nhận là nguyên nhân phổ biến nhất, các tình trạng viêm da khác đều có thể là nguyên nhân dẫn đến thâm đỏ. Thâm đỏ thường có xu hướng xảy ra thường xuyên hơn ở người có tone da trắng.
Thâm đen (post inflammatory hyperpigmentation – PIH): các chấm màu nâu hoặc đen xuất hiện trên da do đáp ứng tăng sản xuất và lắng đọng melanin. Tăng sắc tố sau viêm xảy ra khi các tế bào sắc tố bị kích thích trong quá trình làm lành vết thương. Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra thâm đen là mụn trứng cá. Thâm đen thường có xu hướng xảy ra thường xuyên hơn ở người có da sẫm màu như người châu Á, Trung Đông, châu Phi.
Thâm mụn thường có khả năng tự mờ đi theo thời gian, trong thời gian từ 3-24 tháng. Tuy nhiên, một số tổn thương mụn có thể xảy ra ở lớp hạ bì, gây ra các vết sắc tố nghiêm trọng hơn, có màu xanh xám và có thể tồn tại vĩnh viễn trên da.
Nám da là gì? Nguyên nhân và phân loại
Nám da là một tình trạng tăng sắc tố mắc phải, đặc trưng bởi các đốm hoặc mảng sẫm màu phân bố ở các vùng da tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời. Nám da thường biểu hiện trên một vùng da lớn và thường khởi phát trên da mặt. Các vị trí thường xuất hiện nám bao gồm sống mũi, trán, má, môi trên, cằm, cẳng tay, cổ, vai.
Cơ chế bệnh sinh gây ra nám vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy rằng những yếu tố sau đây làm gia tăng nguy cơ xuất hiện nám da.
· Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hoặc tia cực tím
· Giới tính nữ
· Thai kỳ
· Sử dụng thuốc viên tránh thai hoặc liệu pháp hormone
· Màu da
· Yếu tố gia đình
· Sử dụng thuốc điều trị
· Bệnh lý tuyến giáp
· Stress
Điểm giống nhau giữa thâm đen do mụn và nám da
· Cùng là tình trạng tăng sắc tố da, có liên quan đến sự sản xuất dư thừa và lắng đọng melanin.
· Vết tăng sắc tố thường có màu nâu sáng, nâu sẫm hoặc đen; thường phẳng so với bề mặt da.
· Có nguy cơ trầm trọng hơn khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hoặc tia cực tím.
· Phổ biến hơn ở nhóm người có tone màu da tối.
· Đều có thể xảy ra ở lớp thượng bì hoặc lớp trung bì.
· Không gây hại nhưng ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
Điều trị thâm mụn và nám da
Để giảm thâm mụn và nám da, hay sử dụng các loại thuốc bôi ngoài da sau đây
Dùng thuốc bôi ngoài da
· Retinoid
· Azelaic acid
· Hydroquinone
· Arbutin
· Kojic acid
· Tranexamic acid
· Niacinamide
· Vitamin C (L-ascorbic acid)
· Cysteamine
· Chiết xuất lô hội
· Chiết xuất rễ cam thảo
Công nghệ thẩm mỹ da liễu
· Peel da
· Lăn kim (microneedling)
· Laser Nd:YAG 1064nm hoặc liệu pháp ánh sáng (light treatment)
· Mesotherapy với huyết tương giàu tiểu cầu (platelet-rich plasma, PRP) hoặc các hoạt chất làm sáng da như tranexamic acid, vitamin C, glutathione hay các chất chống oxy hóa
Thâm mụn và nám da là hai tình trạng phổ biến của tình trạng tăng sắc tố da. Chúng có những đặc điểm riêng về cơ chế, biểu hiện và cách điều trị. Để có thể xác định chính xác tình trạng tăng sắc tố da đang mắc phải, hãy đến các cơ sở điều trị uy tín với đội ngũ Bác sĩ Da liễu có trình độ chuyên môn cao để được thăm khám và thực hiện các kiểm tra cần thiết.
Phòng khám Da liễu Doctor Acnes
Địa chỉ: 283/34 Cách Mạng Tháng 8, P.12, Q.10, Thành phố Hồ Chí Minh
Hotline: 07 0838 0878
Comments