Peel da hóa học là gì?
Peel da hóa học là phương pháp sử dụng các tác nhân acid hữu cơ lành tính tác động lên bề mặt da, qua đó làm bong tróc tế bào da chết và kích thích quá trình tái tạo bề mặt da. Tác nhân thường được sử dụng trong peel da hóa học bao gồm acid glycolic, acid salicylic, acid mandelic, acid trichloroacetic… Peel da hóa học thường được sử dụng để điều trị mụn, lỗ chân lông to, tăng sắc tố sau viêm, sẹo rỗ, giúp làm mờ nếp nhăn hoặc vết chân chim.
Peel da hóa học có thể cho tác động từ lớp biểu bì cho đến lớp hạ bì của da. Tùy thuộc vào tình trạng da và mục đích điều trị, Bác sĩ Da liễu sẽ chỉ định phác đồ với tác nhân peel và nồng độ phù hợp.
Peel da hóa học có thể được phân loại dựa trên độ sâu mà tác nhân peel thâm nhập bao gồm: peel da rất nông (very superficial peeling) cho tác động trên lớp sừng của biểu bì; peel da bề mặt hay peel da nông (superficial peeling) tác động từ lớp tế bào hạt đến lớp tế bào đáy; peel da trung bình (medium-depth peeling) tiếp cận đến lớp bì nhú; peel da sâu (deep peeling) thâm nhập sâu đến lớp bì lưới.
Acid salicylic là gì?
Acid salicylic là acid thuộc nhóm acid beta-hydroxy (BHA), phần lớn được chiết xuất từ vỏ cây liễu hoặc dầu của cây lộc đề xanh. Acid salicylic có công dụng phổ biến là tẩy tế bào chết với cơ chế làm giảm độ bám và phá vỡ liên kết giữa các tế bào sừng nhưng không làm thay đổi độ dày lớp biểu bì do đó có tác dụng loại bỏ tế bào chết mà không gây bào mòn da. Ngoài ra, acid salicylic còn có đặc tính thân dầu, có khả năng đi sâu vào bên trong nang lông để hòa tan bã nhờn, bụi bẩn, làm sạch sâu và giúp thông thoáng lỗ chân lông.
Trên lâm sàng, acid salicylic được chứng minh là có tác dụng trong điều trị các tình trạng liên quan đến tăng tiết bã nhờn như mụn trứng cá, ngoài ra còn cho hiệu quả trong điều trị tăng sắc tố và giúp trẻ hóa làn da. Acid salicylic nồng độ 30% là tác nhân tẩy tế bào chết hóa học được xem là “tiêu chuẩn vàng” trong điều trị mụn mức độ từ nhẹ đến trung bình. Nhìn chung, acid salicylic tương đối an toàn, tuy nhiên một số trường hợp da nhạy cảm vẫn có thể gặp tình trạng kích ứng khi sử dụng.
Peel da trị mụn bằng acid salicylic
Peel da bằng acid salicylic được tiến hành như thế nào?
Khác với việc tẩy tế bào chết hóa học bằng các sản phẩm chứa BHA có thể được mua dễ dàng tại nhà thuốc, peel salicylic là liệu pháp cần được tiến hành tại các phòng khám chuyên khoa Da liễu. Acid salicylic thường được sử dụng trong peel da bề mặt (peel nông) với nồng độ 20-30%, hòa tan trong dung môi hydroethanolic hay polyethylene glycol.
Tuy nhiên do đặc tính thân dầu, dễ dàng xâm nhập qua hàng rào lipid của biểu bì, nếu sử dụng acid salicylic với nồng độ cao hơn hoặc bôi nhiều lớp có thể gây tích tụ hoạt chất trên da, cho tác động sâu hơn đến lớp trung bì nông. Khi bắt đầu quá trình peel có thể cảm thấy châm chích và bỏng rát nhẹ nhưng sau đó sẽ giảm khi hoạt tính làm tê bề mặt của acid salicylic bắt đầu hoạt động. Sau khi thoa acid salicylic, hoạt chất thường được giữ trên bề mặt da khoảng 3 – 5 phút. Mức độ thâm nhập của tác nhân peel được đánh giá qua lớp bông trắng (frosting) được hình thành trên bề mặt da do sự đông tụ sừng nơi tác nhân peel tiếp xúc.
Hiệu quả của peel da bằng acid salicylic trong điều trị mụn
Acid salicylic đã được chứng minh hiệu quả trong điều trị mụn thông qua nhiều nghiên cứu khác nhau. Nhân mụn được hình thành khi bã nhờn, tế bào chết, bụi bẩn không được loại bỏ làm bít tắc lỗ chân lông, vi khuẩn có thể tích tụ bên trong gây viêm.
Acid salicylic hoạt động nhằm vào cơ chế bệnh sinh của mụn, có tác dụng tẩy tế bào chết giúp thông thoáng lỗ chân lông, làm giảm tiết dầu nhờn, hạn chế hình thành nhân mụn. Ngoài ra, acid salicylic còn có tác dụng kháng viêm và kháng khuẩn tại chỗ, do đó làm giảm tình trạng sưng, đỏ da do mụn viêm, tiêu diệt vi khuẩn gây mụn.
Một số tác dụng không mong muốn khi thực hiện peel da bằng acid salicylic
Trong peel da hóa học, tác nhân peel xâm nhập càng sâu thì nguy cơ tác dụng phụ càng cao. Peel da bằng acid salicylic thường chỉ ở mức độ peel da bề mặt do đó tương đối an toàn. Tuy nhiên, vẫn có thể gặp một số tác dụng không mong muốn sau khi trị liệu, đa phần sẽ hồi phục nhanh trong khoảng 1 – 2 tuần như:
Da bị đỏ, ngứa, sưng tấy.
Da bị châm chích, kích ứng và trở nên mẫn cảm.
Da khô, bong tróc, đóng vảy.
Tăng hoặc giảm sắc tố da bất thường.
Ngoài ra, độ sâu mô học do peel da còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độ pH và nồng độ của (các) loại acid sử dụng, số lớp acid được bôi lên da, tuổi và giới tính của bệnh nhân, vùng da được điều trị, độ ẩm và nhiệt độ. Vì vậy để đảm bảo một liệu trình peel an toàn, Bác sĩ cần cân nhắc tất cả những yếu tố này để đưa ra một liệu trình cá thể hóa.
Lưu ý chăm sóc da sau khi thực hiện peel da bằng acid salicylic
Sau khi trị liệu, da có thể bị ửng đỏ kèm cảm giác nóng rát và châm chích như cháy nắng. Tuy nhiên triệu chứng này thường không nghiêm trọng, chỉ kéo dài trong vài tiếng đầu. Khoảng 2 – 4 ngày sau khi peel, da có thể bị khô và bong tróc nhưng đa phần sẽ hồi phục nhanh trong khoảng một tuần.
Phòng Khám Da Liễu Doctor Acnes:
Địa chỉ: 283/34 Cách Mạng Tháng 8, P.12, Q.10, Thành phố Hồ Chí Minh.
Hotline: 07 0838 0878.
Comments