top of page

LEMON SQUEEZY

Arts, Crafts & Motherhood

Tìm kiếm

Peptide hiện là một thành phần phổ biến có trong các dòng mỹ phẩm và dược mỹ phẩm chống lão hóa vì hợp chất này vốn nổi bật với hiệu quả giúp kích thích sản sinh collagen, duy trì sự đàn hồi cho da. Tuy nhiên, hầu hết người dùng vẫn còn hoang mang vì chưa thật rõ peptide là gì, ngoài tác dụng chống lão hóa thì còn có công dụng gì khác nữa? Hãy cùng các Bác sĩ Da liễu tại Phòng khám Doctor Acnes tìm hiểu về peptide và các loại peptide trong bài viết dưới đây.

Peptide là gì?

Peptide là chuỗi dài các acid amin chứa từ 2 đến 50 gốc α–aminoacid liên kết với nhau bởi liên kết peptide và giữ chức năng chính trong quá trình tổng hợp protein. Sau khi các acid amin kết hợp với nhau tạo nên peptide, các peptide này sẽ tập hợp lại theo một cơ chế nhất định và tạo ra các protein cụ thể.

Đối với da, protein là thành phần quan trọng và collagen là một trong những protein quan trọng nhất. 75% – 80% da trên cơ thể người được tạo thành từ collagen. Collagen là thành phần chính của lớp trung bì và nhận nhiệm vụ đảm bảo độ đàn hồi cho da, giúp da sáng mịn, tươi trẻ. Trong khi đó, peptide lại chính là nhân tố quan trọng để tạo nên collagen. Do đó việc bổ sung peptide là rất quan trọng cho cơ thể.

Các loại peptide phổ biến hiện nay và tác dụng

Các loại peptide sử dụng trong thẩm mỹ da liễu được chia thành 2 nhóm chính.

Nhóm peptide tác dụng tại chỗ

Peptide tín hiệu (signal peptide): loại peptide này có khả năng kích thích hoặc ức chế hoạt động của tế bào. Cụ thể, chúng thúc đẩy thoái hóa “collagen bất thường” của mô sẹo, đồng thời tăng cường tổng hợp collagen, elastin, proteoglycan có vai trò chống oxy hóa và giúp da trở nên săn chắc.


Peptide vận chuyển (peptide carrier): giữ vai trò cung cấp các nguyên tố vi lượng như magie (Mg), đồng (Cu) cho làn da, đồng thời kích thích tăng sinh collagen, giúp da tăng đàn hồi và săn chắc. Một số peptide vận chuyển có thể kể đến bao gồm: Glycyl ‐ histidyl ‐ lysine (GHK); Tripeptide-1; Tripeptide-6.

Peptide ức chế dẫn truyền thần kinh (neurotransmitter inhibitor peptide): loại peptide này gắn kết vào nơi tiếp hợp thần kinh mang lại tác động giảm co cơ, từ đó làm mờ các nếp nhăn. Một số peptide loại này thường được sử dụng trên lâm sàng bao gồm: Argireline (Acetyl hexapeptide-3); Pentapeptide-18; Acetyl hexapeptide-30; Decapeptide-4; Acetyl decapeptide-3; Leuphasyl (Pentapeptid-3).

Công dụng của peptide trong chăm sóc da

Thông qua nhiều nghiên cứu khoa học và ứng dụng trên lâm sàng, các công dụng của peptide đã được ghi nhận như sau:

Cung cấp những kim loại cần thiết cho làn da

Phức hợp peptide-đồng là loại peptide vận chuyển có chứa những phân tử đồng (Cu) trong cấu trúc. Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh phức hợp peptide-đồng mang lại hiệu quả cao trong việc hỗ trợ làm lành vết thương. Phức hợp peptide-đồng còn giúp thúc đẩy tăng sinh collagen và hoạt động như chất chống oxy hóa. Tất cả các tác động này giúp tái sinh làn da, loại bỏ các collagen hư tổn và phục hồi làn da hiệu quả.

Kích thích tăng sinh collagen và làm mờ nếp nhăn

Các nghiên cứu cho thấy từ 20 tuổi trở đi, mỗi năm cơ thể sẽ bị mất đi 1% lượng collagen, cùng với sự thiếu hụt elastin sẽ khiến các mô bị phá hủy, cấu trúc da bị tổn thương. Kết quả là làn da trở nên nhăn nheo và đây là một trong những dấu hiệu lão hóa da.

Khi collagen bị phân hủy, chúng tạo thành các chuỗi peptide. Những peptide này truyền tín hiệu ra xung quanh báo rằng da bị tổn thương và từ đó kích thích cơ thể tăng sinh collagen. Tuy nhiên, theo thời gian thì tín hiệu này giảm dần, từ đó cơ thể không tăng sinh được đủ lượng collagen để bù đắp cho lượng collagen mất đi. Kết quả là làn da mềm mại, mịn màng trở nên nhăn nheo theo thời gian.

Tác dụng tương tự như Botox

Như đã nhắc đến ở phần phân loại thì peptide còn có khả năng ức chế tín hiệu thần kinh truyền từ dây thần kinh đến cơ mặt, từ đó giúp ngăn sự co cơ và làm mờ nếp nhăn, mang lại hiệu quả tương tự Botox.

Cách bổ sung peptide

Bổ sung peptide bằng mỹ phẩm

Một trở ngại lớn khi sử dụng peptide dưới dạng bôi là khả năng thẩm thấu kém của chúng vào da. Đó cũng là lý do khiến peptide được sử dụng hạn chế thời gian trước đây. Nhằm cải thiện sự hấp thu qua da của các sản phẩm dưỡng da chứa peptide, các dẫn xuất acid béo của peptide đã được sử dụng để tăng tính thân dầu của peptide, từ đó tăng tính thấm qua da từ 5-6 lần so với peptide được dùng riêng lẻ.

Thị trường hiện có rất nhiều loại mỹ phẩm, kem dưỡng da, serum có chứa nhiều loại peptide khác nhau. Trong đó, Matrixyl và Argireline là hai loại peptide được sử dụng nhiều nhất trong ngành mỹ phẩm. Chúng có khả năng làm cơ mặt thư giãn và giảm các nếp nhăn hiệu quả mà không gây tác dụng phụ cho da.


Bổ sung peptide bằng đường uống

Các chế phẩm đường uống thường chứa collagen-peptide trọng lượng phân tử thấp. Các loại collagen-peptide này có chứa nhiều acid amin thiết yếu như glycine, proline, hydroxyproline và hàm lượng các acid amin cao gấp 10-20 lần so với các loại protein thông thường.

Bổ sung peptide bằng phương pháp tiêm vi điểm (mesotherapy)

So với tiêm Botox thì tiêm peptide để chống lão hóa và trẻ hóa da sẽ mang lại hiệu quả tương tự nhưng lại an toàn hơn rất nhiều, đồng thời giá thành của peptide cũng không quá cao như Botox.

Các lưu ý khi sử dụng sản phẩm chứa peptide

Trong quá trình bổ sung peptide, cần lưu ý những điều sau để tránh gây kích ứng da cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe làn da, bao gồm:

  • Lựa chọn các sản phẩm dưỡng da có chứa peptide đã được kiểm chứng là an toàn.

  • Peptide có bản chất là protein nên rất dễ bị phân hủy và oxy hóa, dẫn đến mất tác dụng của peptide. Nên bảo quản mỹ phẩm chứa peptide ở nơi khô mát, tránh ánh sáng trực tiếp.

  • Một số loại peptide có thể gây ra những phản ứng kích ứng tại da, nhất là da nhạy cảm. Vì vậy, hãy thử sản phẩm lên tay và cổ trước khi sử dụng trên mặt.

Trên đây là những thông tin quan trọng về peptide, tác dụng của peptide, cũng như cách sử dụng và bổ sung peptide cho da. Trong trường hợp cần tư vấn thêm, đừng ngại ngần liên hệ với chúng tôi. Đội ngũ Bác sĩ Da liễu với kiến thức chuyên sâu về dược mỹ phẩm tại Phòng khám Doctor Acnes sẵn sàng trả lời các thắc mắc của bạn liên quan đến chăm sóc da theo đúng chuẩn y khoa. 

Phòng Khám Da Liễu Doctor Acnes:

  • Địa chỉ: 283/34 Cách Mạng Tháng 8, P.12, Q.10, Thành phố Hồ Chí Minh.

  • Hotline: 07 0838 0878.

0 lượt xem0 bình luận

Một chế độ ăn phù hợp có thể giúp kiểm soát mụn ở mức độ nhẹ đến vừa. Vậy các loại thực phẩm gây ra mụn gồm những loại nào, bị mụn nên kiêng ăn gì cũng như các thực phẩm có lợi cho người bị mụn? Hãy cùng Doctor Acnes tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Chế độ ăn cho người bị mụn

Nhóm thực phẩm người bị mụn nên tiêu thụ gồm các nhóm chất có tác dụng hỗ trợ ức chế quá trình tổng hợp các hóa chất gây viêm, giảm tiết insulin hay kìm khuẩn. Cụ thể như sau: 

Carbohydrate có chỉ số GI thấp 

Các nghiên cứu cho thấy chế độ ăn GI thấp có thể làm giảm tổn thương gây ra bởi mụn, góp phần triệt tiêu các cơn tăng đường huyết. Khi đường huyết tăng cao có thể gây ra nhiễm trùng toàn cơ thể, tăng tiết bã nhờn và góp phần dẫn đến mụn. 

Một nghiên cứu tại Úc đã quan sát 43 nam giới bị mụn và nhận thấy rằng những người tuân thủ chế độ ăn GI thấp có ít mụn hơn rõ rệt so với những người ăn uống bình thường sau 12 tuần. Một nghiên cứu khác ở Hàn Quốc với 32 bệnh nhân bị mụn cũng đã ghi nhận kết quả tương tự sau 10 tuần.

Chất béo không bão hòa

Các loại acid béo không bão hòa đa nối đôi (PUFA) có tác động tốt cho da, như các loại omega 3, omega 6, bao gồm các acid béo không bão hòa thiết yếu (EFA) như linoleic acid (LA) và α-linolenic acid (ALA). Các acid béo này cơ thể người không thể tự tổng hợp được mà phải nhờ vào nguồn thức ăn bên ngoài. 

Dầu thực vật (như dầu hướng dương, dầu nành, dầu hạt nho, dầu lanh, dầu phộng hay dầu mè) chứa nhiều LA; trong khi đó dầu hạt chia, dầu olive, dầu hạt cải, dầu hạt óc chó chứa nhiều ALA. Ngoài EFA, PUFA còn bao gồm γ-linolenic acid (GLA), arachidonic (AA), eicosapentaenoic acid (EPA) và docosahexaenoic acid (DHA). GLA có trong dầu hạt gai dầu và hạt lý chua đen, trong khi EPA và DHA có trong dầu các loài cá biển (cá thu, cá hồi, cá tuyết, cá trích).


Khoáng chất

Kẽm và selen là các khoáng chất quan trọng trong điều trị mụn. 

Kẽm có tác dụng kìm khuẩn, ức chế quá trình hóa đáp ứng (chemotaxis) và giảm sản sinh các cytokine gây viêm. Kẽm có nhiều trong hàu, bí đỏ, hạt hướng dương và ngũ cốc nguyên cám.

Selen điều hòa tiết bã nhờn và có tác dụng kháng viêm. Trong liệu trình trị mụn, selen thường được dùng chung với kẽm và vitamin E. Selen có nhiều trong quả hạch Brazil, cá và thịt đỏ.


Người bị mụn không nên ăn gì?

Những người có làn da dầu dễ bị mụn hoặc người đang bị mụn nên tránh một số loại thực phẩm nhất định, vì đã có nghiên cứu lâm sàng chứng minh rằng chúng có thể kích hoạt hoặc làm trầm trọng thêm mụn trứng cá. Những thực phẩm này bao gồm:

Carbohydrate có chỉ số GI cao

Carbohydrate đóng vai trò quan trọng trong sinh bệnh học của mụn. Người ta đánh giá thực phẩm chứa carbohydrate bằng chỉ số đường huyết của thực phẩm (glycaemic index – GI). Thực phẩm có chỉ số GI càng cao nghĩa là đường huyết sau khi ăn thực phẩm đó tăng càng nhiều và ngược lại. 

Chế độ nhiều carbohydrate với chỉ số GI cao có liên quan đến tăng đường huyết, tăng insulin huyết và tăng sinh IGF-1 (yếu tố tăng trưởng giống insulin) cũng như gây nguy cơ kháng insulin. Insulin tác động đến chức năng gan, tuyến yên và tuyến thượng thận, qua đó thúc đẩy sản xuất androgen và SHBG (globulin gắn hormone sinh dục) cũng như tham gia vào quá trình sinh tiết bã nhờn.

Chất béo bão hòa

Các loại acid béo bão hòa (palmitic, stearic hay myristic acid), có trong bơ thực vật, kẹo mứt hay thức ăn nhanh có tác động xấu lên da mụn. Các loại acid này tác động lên các protein IL-1β và IL-1α, làm tăng viêm, hình thành nhân mụn và tăng tiết bã nhờn.

Sữa và các sản phẩm từ sữa

Một trong những nguồn cung cấp protein chính là sản phẩm bơ sữa, nhất là sữa bò và các sản phẩm từ sữa bò. Thành phần chính gồm casein và whey protein. 

Sữa bò có tác động đến sức khỏe tương tự các thực phẩm có GI cao đã đề cập ở phần trên. Sữa bò cũng là thực phẩm có GI cao do các thành phần protein trong sữa (valine, leucine, isoleucine) thúc đẩy tiết insulin làm tăng insulin và IGF-1 trong máu. Ngoài ra, sữa bò còn đóng góp vào quá trình chuyển hóa lipid và sự phát triển của tuyến bã nhờn. 


Danh sách trên đây đã tóm tắt những nhóm thực phẩm mà người bị mụn nên và không nên tiêu thụ. Thay vì ép buộc bản thân tuân thủ một chế độ ăn kiêng khắt khe, hãy tập trung vào việc điều chỉnh thành phần dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày. Những thay đổi nhỏ nhưng bền vững này sẽ mang lại hiệu quả đáng kể cho quá trình điều trị mụn.

Phòng Khám Da Liễu Doctor Acnes:

  • Địa chỉ: 283/34 Cách Mạng Tháng 8, P.12, Q.10, Thành phố Hồ Chí Minh.

  • Hotline: 07 0838 0878.


0 lượt xem0 bình luận

Trong quá trình mang thai, cơ thể người phụ nữ có nhiều thay đổi về nội tiết tố gây ra tình trạng mụn trứng cá. Thông thường, mụn trứng cá ở phụ nữ mang thai biến mất sau khi sinh con. Tuy nhiên, đối với nhiều người, mụn vẫn tiếp tục ngay cả trong thời kỳ hậu sản. Điều trị mụn ở giai đoạn này cần thận trọng để đảm bảo an toàn trong trường hợp cho con bú. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về nguyên nhân, hướng dẫn trị mụn nội tiết sau sinh

Mụn nội tiết sau sinh là gì ?

Mụn trứng cá là một bệnh viêm mãn tính của tuyến bã nhờn, đặc trưng bởi sự tăng tiết bã, tăng hoạt động của vi khuẩn Propionibacterium acnes gây nên tình trạng viêm và tăng sừng hóa nang lông.

Mụn nội tiết là mụn trứng cá gây ra bởi sự thay đổi của hormone trong cơ thể. Một số hormone ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của tuyến bã nhờn có liên quan đến mụn trứng cá, bao gồm androgen, estrogen, progesterone, hormone tăng trưởng, insulin, yếu tố tăng trưởng giống insulin-1 (IGF-1), hormone giải phóng corticotropin (CRH), hormone hướng vỏ thượng thận (ACTH) và glucocorticoid.

Nguyên nhân hình thành mụn nội tiết sau sinh

Ở phụ nữ, estrogen và progresterone là 2 hormone sinh sản chính, được tiết ra từ buồng trứng. Trong thời kỳ mang thai, nồng độ progesterone tăng cao liên tục là nguyên nhân gây ra mụn. Sau khi sinh con, mức progesterone trở lại bình thường và mụn nội tiết thường biến mất. Tuy nhiên, đối với một số phụ nữ, phải mất nhiều thời gian hơn để nồng độ hormone trở lại bình thường, vì vậy vẫn tiếp tục tình trạng mụn trứng cá, hay còn gọi là mụn nội tiết sau sinh.

Cách trị mụn nội tiết sau sinh hiệu quả, an toàn

Những phương pháp điều trị mụn cho phụ nữ sau sinh dưới đây được đưa ra dựa trên cơ sở các đánh giá về độ an toàn được thu thập từ cơ sở dữ liệu FDA, Viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), phân loại của Hale về thuốc sử dụng cho phụ nữ cho cho con bú và cơ sở dữ liệu thuốc trên phụ nữ cho con bú của thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ (LactMed). Các khuyến nghị về liệu pháp điều trị mụn trứng cá sau sinh dựa trên mức độ mức độ ảnh hưởng toàn thân bao gồm liệu pháp tại chỗ, liệu pháp toàn thân và các biện pháp không truyền thống. 

  • Liệu pháp tại chỗ là lựa chọn đầu tay để điều trị mụn cho phụ nữ cho con bú. Phương pháp này sử dụng các loại thuốc bôi ngoài da gồm acid azelaic, benzoyl peroxide, natri sulfacetamide, các thuốc kháng sinh như erythromycin, clindamycin, metronidazole, acid salicylic và acid glycolic. Retinoid tại chỗ cũng được coi là nguy cơ thấp và có thể cân nhắc sử dụng trên phụ nữ cho con bú.

  • Liệu pháp toàn thân là lựa chọn hàng thứ hai bao gồm sử dụng các thuốc uống để điều trị mụn kháng sinh macrolide (erythromycin và azithromycin), cephalexin, corticosteroid đường uống và phức hợp kẽm.

  • Nên tránh điều trị bằng liệu pháp nội tiết tố, kháng sinh uống có nguy cơ cao cho bé bú mẹ bao gồm spironolactone, thuốc ngừa thai, tetracycline, co-trimoxazole, fluoroquinolone. Trong trường hợp điều trị mụn sau sinh trên phụ nữ không cho con bú, Bác sĩ có thể cân nhắc sử dụng các thuốc này để điều trị mụn như bình thường.

Một số lưu ý khi trị mụn trên phụ nữ sau sinh

Khi điều trị mụn trứng cá trong thời kỳ cho con bú, nên tham khảo ý kiến Bác sĩ để xem xét mức độ nghiêm trọng của mụn trứng cá và đánh giá nguy cơ tiềm ẩn của các phương pháp điều trị. 

Ngoài việc sử dụng thuốc và các phương pháp trị liệu, phụ nữ sau sinh cần có một lối sống lành mạnh với chế độ ăn đầy đủ, lành mạnh và chế độ sinh hoạt hợp lý.

  • Hạn chế các sản phẩm từ sữa, thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) cao. Tăng cường rau xanh và trái cây trong khẩu phần ăn.

  • Uống đủ nước.

  • Rửa mặt bằng xà phòng dịu nhẹ hai lần mỗi ngày.

  • Tẩy tế bào da chết một hoặc hai lần mỗi tuần.

  • Làm sạch da mặt và tẩy trang trước khi đi ngủ.

  • Quản lí stress. 

Mụn nội tiết sau sinh cần được quan tâm và có phương pháp điều trị hiệu quả, an toàn. Nên ưu tiên các phương pháp không dùng thuốc như laser, ánh sáng, peel da để hạn chế các tác dụng không mong muốn cũng như tăng hiệu quả và rút ngắn thời gian điều trị. Trong điều trị nội khoa, thuốc trị mụn ngoài da nên được ưu tiên vì mức độ phơi nhiễm toàn thân thấp, tuy nhiên không nên bôi một lượng lớn thuốc lên vùng da bị viêm trong thời gian dài và trên diện tích bề mặt cơ thể lớn, vì điều này có thể làm tăng sự hấp thu toàn thân.

Phòng Khám Da Liễu Doctor Acnes:

  • Địa chỉ: 283/34 Cách Mạng Tháng 8, P.12, Q.10, Thành phố Hồ Chí Minh.

  • Hotline: 07 0838 0878.

0 lượt xem0 bình luận
  • Black Facebook Icon
  • Black YouTube Icon
  • Black Pinterest Icon
  • Black Instagram Icon
bottom of page